Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước: Chưa rõ vai trò “nhạc trưởng”

15.06.2016 13:07

(HNM) - Quyết tâm của Thủ đô trong việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động của các cơ quan nhà nước là rất lớn.

Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước: Chưa rõ vai trò “nhạc trưởng”

Tháng 7-2012, HĐND thành phố đã thông qua Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015 với nhiều chỉ tiêu cao hơn chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho các địa phương. Tổng kinh phí của chương trình là 894,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai còn thiếu đồng bộ nên chất lượng không đồng đều, hiệu quả đạt được chưa tương xứng. Làm gì để giải quyết thực trạng này? 

Một số chỉ tiêu đã hoàn thành?

Mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã được TP Hà Nội đẩy mạnh từ năm 2011 đến nay ở nhiều nội dung: Đầu tư thiết bị phần cứng; triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; triển khai phần mềm "một cửa điện tử"; triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT tại các xã làm điểm về xây dựng nông thôn mới và làm điểm về CCHC... Cùng với triển khai phần mềm "một cửa điện tử" tới cấp xã, TP Hà Nội cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, chuẩn hóa phần mềm cho bộ phận "một cửa, một cửa liên thông" của các xã được làm điểm. Năm 2012, TP đã triển khai cho 62 xã, năm 2013 tiếp tục triển khai thêm 100 xã, với kinh phí đầu tư cho mỗi xã là 200 triệu đồng để trang bị máy tính, máy scan, máy photocopy, lắp đặt camera và hệ thống mạng cho bộ phận "một cửa".

Đặc biệt, sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết của HĐND TP về Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015, hạ tầng CNTT đã được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thiện hệ thống mạng WAN kết nối tới 100% sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 5 đơn vị hiệp quản. Trên cơ sở hạ tầng mạng WAN, hệ thống giao ban trực tuyến của TP đã triển khai tới 57 điểm, trong đó 100% các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã đủ điều kiện tổ chức họp trực tuyến. Hiện các cuộc giao ban giữa UBND TP với các cơ quan nhà nước trực thuộc TP trên môi trường mạng đạt 48% (kế hoạch 50%). Đã có 100% sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và 33% xã, phường, thị trấn cài đặt phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; tỷ lệ văn bản chỉ đạo của UBND TP được giao dịch dưới dạng điện tử đạt 100%; tỷ lệ văn bản giao dịch giữa các cơ quan nhà nước đạt 30%...

Hiệu quả không đồng đều

Mặc dù đã có bước tiến vượt bậc nhưng việc thực hiện chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước TP Hà Nội vẫn còn không ít hạn chế, thậm chí nếu không tập trung thực hiện, một số chỉ tiêu sẽ không hoàn thành, đơn cử như việc ứng dụng CNTT tại cấp xã. Theo Nghị quyết của HĐND TP, đến năm 2015, 80% các đơn vị cấp xã phải hoàn thiện hạ tầng mạng nội bộ, kết nối với mạng WAN của TP và trang bị máy tính cho 100% cán bộ công chức. Tuy nhiên đến nay, việc hoàn thiện hạ tầng nội bộ và kết nối với mạng WAN của TP ở cấp xã mới đạt 47%, còn tỷ lệ cán bộ công chức được trang bị máy tính mới đạt khoảng 65%. Đó là chưa kể tới chất lượng và cấu hình máy tính của nhiều đơn vị còn thấp, gây khó khăn cho cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ. Tương tự, ở chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức của TP sử dụng thành thạo máy tính, các ứng dụng dùng chung và các ứng dụng chuyên ngành khác trong công việc thì đến nay kết quả mới đạt 69,2%. Việc ứng dụng tốt phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc mới đạt 50%; ứng dụng tốt phần mềm "một cửa điện tử" đạt 45% và có 16% hầu như không ứng dụng phần mềm "một cửa điện tử". 

Tại quận Hoàng Mai, thực hiện triển khai chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước, đến nay toàn quận có 8 máy chủ, 12 máy tính xách tay, 130 máy tính để bàn, 96 máy in... Tuy nhiên, tại các phường trong quận, số máy tính/người mới chỉ đáp ứng được khoảng 70-80%. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo mật thông tin còn gặp khó khăn. Tại huyện Phú Xuyên, chất lượng hạ tầng CNTT đang rất thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu; còn thiếu các phần mềm ứng dụng cho hoạt động của các phòng, ban chuyên môn; phần mềm liên thông giữa các phòng ban trong huyện cũng như giữa huyện với các xã, thị trấn… 

Kết quả ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc tại các đơn vị cũng không đồng đều. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2013, một số đơn vị có số lượng văn bản đến và đi đã nhập khá lớn như quận Hoàng Mai đã nhập gần 9.000 văn bản đến, gần 4.000 văn bản đi; huyện Sóc Sơn đã nhập gần 10.000 văn bản đến, gần 7.000 văn bản đi. Trong khi đó, huyện Thanh Trì mới bắt đầu sử dụng phần mềm này và các huyện Thanh Oai, Long Biên, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất hiện chưa sử dụng. Ở một số lĩnh vực, do chưa có phần mềm dùng chung, một số đơn vị đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu sử dụng nội bộ. Tuy nhiên, do không được chuẩn hóa nên không thể tích hợp, chia sẻ, khai thác thông tin rộng rãi phục vụ quản lý điều hành. 

Ngay trong việc xây dựng các website, cổng giao tiếp điện tử, hiện đã có 100% quận, huyện, sở, ngành thực hiện, song theo đánh giá của Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP, các trang này mới chỉ ở mức công bố thông tin, thiếu nội dung giao dịch với tổ chức, công dân. Đặc biệt, tỷ lệ dịch vụ công mức 3 so với kế hoạch giao đạt khá 72,6% (61/84 dịch vụ công) nhưng so với tổng số dịch vụ công thì tỷ lệ này đạt 0,37% (61/1.638 dịch vụ công). Hiệu quả sử dụng dịch vụ công mức 3 trong thực tế còn thấp, số lượng hồ sơ giao dịch ít. 

Đánh giá về kết quả ứng dụng CNTT trên địa bàn TP Hà Nội thời gian qua, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thị Thùy cho rằng: "Đang tồn tại tình trạng "trăm hoa đua nở", mạnh ai nấy làm trong đầu tư ứng dụng CNTT, nhất là đối với các phần mềm dùng chung. Hiện nay, chưa thấy rõ vai trò "nhạc trưởng" trong định hướng, thống nhất về ứng dụng CNTT".

Bộ Y Tế