Hen phế quản ở trẻ em và cách phòng tránh

06.06.2016 15:14

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, gây co thắt, phù nề phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cản trở đường thở dẫn đến khó thở. Trẻ sau khi lên cơn hen nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như

Hen phế quản ở trẻ em và cách phòng tránh

Hen phế quản (HPQ) là một bệnh viêm mạn tính đường hô hấp, gây co thắt, phù nề phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cản trở đường thở dẫn đến khó thở. Trẻ sau khi lên cơn hen nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây nên những biến chứng nguy hiểm như: Xẹp phổi, nhiễm khuẩn phế quản, suy hô hấp và có thể dẫn đến tử vong. Thống kê gần đây cho thấy khoảng 4% dân số Việt Nam bị bệnh HPQ tương đương khoảng 3,5 triệu người và số ca bệnh đang có chiều hướng gia tăng. Tại tỉnh ta, theo số liệu của Bệnh viên đa khoa tỉnh chỉ trong 03 tháng đầu năm đã có 55 trường hợp mắc HPQ, trong đó có 03 trường hợp là trẻ em.

Bệnh HPQ do vi rút là nguyên nhân phổ biến nhất (chiếm 85%). Ngoài ra, trẻ bị HPQ còn do yếu tố di truyền từ cha mẹ và các yếu tố khác như: Trẻ hít phải khói, bụi, hơi khói bếp than, khói thuốc lá, lông chó mèo, phấn hoa hoặc sau khi ăn một số thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá biển, hóa chất, bột giặt nước lau nhà, thay đổi thời tiết đột ngột… đặc biệt sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường làm thúc đẩy sự phát triển bệnh. 

Để xác định trẻ mắc HPQ cần dựa vào các triệu chứng như: Trẻ thở khò khè, khó thở (tức là nghe có tiếng rít); ho về đêm và gần sáng, ho từng tiếng một, tức ngực, có cảm giác như bị vật nặng đề ép trên ngực; khó thở thì thở ra. Cơn hen hay xuất hiện về đêm hoặc khi tiếp xúc với dị nguyên gây bệnh hoặc các yếu tố kích thích phát cơn hen. Ngoài ra, trẻ bị hen thường  kèm theo một số triệu chứng như nổi mày đay...  Các triệu chứng của hen chỉ xảy ra trong cơn hen, ngoài cơn hen người bệnh thường cảm thấy bình thường. Trên thực tế, HPQ ở trẻ em thường hay chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như: viêm tiểu phế quản hoặc viêm phế quản, vì vậy cha mẹ cần phải quan sát chính xác các biểu hiện của trẻ để có biện pháp xử trí kịp thời. Các triệu chứng của hen diễn ra từng cơn, có thể tự phục hồi sau điều trị. Khi trẻ lên cơn hen cấp có thể dẫn đến tử vong vì suy hô hấp cấp, cần cho trẻ ra chỗ thoáng khí, không khí trong lành và đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Để phòng tránh bệnh cần chủ động phòng tránh những yếu tố làm khởi phát cơn hen như:

- Sắp xếp đồ đạc trong nhà sạch sẽ, gọn gàng thông gió tốt.

- Không nuôi súc vật như: chó, mèo...

- Không cho trẻ hít phải khói thuốc lá, thuốc lào;

 - Không để hoa tươi, phấn hoa trong phòng ngủ của trẻ;

- Không cho trẻ dùng các đồ chơi làm từ bông, lông, sợi như: Gấu bông, chăn nhiều lông, nỉ…

- Vệ sinh nơi ở sạch sẽ, thoáng mát;

- Hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm công nghiệp có các chất bảo quản, các thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua...

Bệnh HPQ không thể chữa khỏi hoàn toàn được, tuy nhiên hiện nay người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được điều trị kịp thời và theo đúng phác đồ. Điều quan trọng là các bậc phụ huynh phải giúp trẻ tuân thủ đúng theo chế độ điều trị dự phòng thì hiệu quả phòng bệnh mới đạt kết quả tốt.