LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KÌ CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

23.05.2023 14:41

LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KÌ CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

LỊCH KHÁM THAI ĐỊNH KÌ CHO PHỤ NỮ CÓ THAI

Theo Bộ Y tế, trong suốt thai kỳ, người mẹ cần đi khám thai ít nhất 3 lần. Lịch khám thai chuẩn của Bộ Y tế chia làm 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai quy. Được xem là khám thai đầy đủ nếu mẹ khám đủ 7 lần (trong trường hợp thai nhi phát triển bình thường), cụ thể các mốc khám thai như sau:
Lần thứ nhất (6-8 tuần)
Ở lần khám thai đầu tiên, mẹ sẽ được kiểm tra để biết thai đã về tử cung, đã có hoạt động của tim thai hay chưa. 
Các mẹ bầu đến viện sẽ được kiểm tra huyết áp, khám các bệnh toàn thân để tư vấn, kê đơn thuốc, bổ sung acid folic, viên sắt; tư vấn khám chuyên khoa để có một thai kì khỏe mạnh ngay từ đầu.
Lần thứ hai (11-14 tuần)
Bác sĩ tiến hành siêu âm để tính chính xác ngày thụ thai, xác định ngày dự kiến sinh và xem thai nhi có đang phát triển bình thường không. Mốc khám thai tuần thứ 12 là một trong các mốc quan trọng khám thai. Lần khám này, có thể tiến hành đo độ mờ da gáy, từ đó tư vấn, đưa ra lời khuyên cho mẹ bầu làm một số xét nghiệm sàng lọc trước sinh  nếu cần,...
Lần thứ ba (16 tuần)
Ở tuần thai thứ 16, mẹ bầu được thăm khám thông thường và theo dõi thai nhi, dựa vào tình trạng sức khỏe của thai phụ mà bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm nếu cần. Trong giai đoạn này, dị tật, dị dạng thai nhi được chẩn đoán tương đối rõ ràng (thai nhi càng lớn thì các dị tật dị dạng càng khó quan sát hơn), từ đó mẹ sẽ được tư vấn để chấm dứt thai kỳ sớm, tránh ảnh hưởng đến tâm lý về sau.
Lần thứ tư (22-23 tuần)
Khai thai định kỳ tuần thứ 22 đóng vai trò quan trọng trong việc tầm soát các loại dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Ở thời điểm này, các bất thường về hình thái như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng,... được phát hiện thông qua hoạt động siêu âm. Bác sĩ tiến hành tư vấn hướng can thiệp thích hợp cho thai phụ nên chẳng may phát hiện các dị tật ở thai nhi.
Lần thứ năm (26 tuần)
Tuần thứ 26, siêu âm thai sẽ phát hiện được các bất thường của cả mẹ và con (nếu có). Giai đoạn này, mẹ sẽ được tư vấn tiêm mũi uốn ván lần 1 hoặc lần 2 với lần mang thai thứ 2 (cách lần mang thai thứ nhất dưới 5 năm).
Lần thứ sáu (31-32 tuần)

Ở thời điểm này, thai phụ được siêu âm để phát hiện 1 số vấn đề hình thái xảy ra muộn như bất thường ở tim, động mạch, bất thường ở não như giãn não thất,... nhận biết tình trạng thai phát triển chậm trong tử cung - đây là một trong những nguyên nhân gây suy thai và ngạt sau sinh. Cũng trong lần khám thai này, mẹ sẽ được tư vấn tiêm mũi uốn ván lần 2.
Lần thứ bảy (36 tuần)
Ở lần khám thai tuần thứ 26, bác sĩ thực hiện đo tim thai ,đồng thời dự đoán cân nặng của bé. Lần khám thai này, bác sĩ cũng đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh: sinh thương hay sinh mổ.
Sau lần khám thai định kỳ thứ 7, mẹ sẽ tiếp tục khám tùy theo chỉ định của bác sĩ và tình hình thai kỳ (có thể là 2 tuần/lần hoặc 1 lần/tuần cho tới khi sinh). Những lần khám cuối, bác sĩ thường chỉ khám thông thường, thử nước tiểu và siêu âm.
Nếu có dấu hiệu bất thường trong thời kì mang thai như: đau bụng từng cơn, ra máu, ra nước âm đạo,… các mẹ bầu có thể đi khám bất cứ  lúc nào. Bệnh viện Đa khoa Quản Bạ trực cấp cứu 24/24.